Home / Cửa sổ dòng lệnh Terminal

Cửa sổ dòng lệnh Terminal


Chân thành gửi lời cám ơn đến cộng đồng Ubuntu-VN đã cung cấp bản dịch tài liệu "Tờ ghi nhớ Ubuntu GNU/Linux", bài viết chủ yếu dựa trên bản dịch này.
Lệnh là một trong những phần cơ bản mà đa số người dùng Linux nói chung, Ubuntu nói riêng đều phải biết ít nhiều. Bài viết sẽ giới thiệu về cửa sổ dòng lệnh trong môi trường Ubuntu Linux, các lệnh thường sử dụng cho người dùng mới làm quen với môi trường mới lạ này.
Cửa sổ dòng lệnh (Terminal)
Theo đặc điểm thiết kế của một hệ thống Linux, bao quanh phần nhân (kernel) là hệ vỏ (shell). Hệ vỏ có nhiệm vụ tiếp nhận lệnh từ người dùng và các ứng dụng, thông dịch và chuyển chúng đến nhân. Trong chế độ đồ họa, nó là trình Cửa sổ dòng lệnh (Thiết bị đầu cuối - Terminal), nằm ở menu Application (Ứng dụng) trong mục Accessories (Bổ trợ). Trong quá trình sử dụng, nếu đọc thấy các chỉ dẫn nhập lệnh, thì đây chính là nơi để làm việc đó.
Các lưu ý khi nhập lệnh:
Các lệnh, tên thư mục và tên tệp tin phải được gõ chính xác từng chữ cái (trong Linux phân biệt chữ hoa và chữ thường). Sau khi gõ xong một lệnh bạn đừng quên nhấn phím Enter để Ubuntu bắt đầu thực hiện lệnh đó.
- Trong cửa sổ dòng lệnh có một số tổ hợp phím hay sử dụng, bạn hãy nhớ kỹ tổ hợp phím này 
+ Ctrl-C: Kết thúc (không điều kiện) một lệnh đang thực thi, trả lại dấu nhắc lệnh. Bạn có thể 'kết liễu' hầu hết các ứng dụng (chạy trong giao diện dòng lệnh) bằng tổ hợp phím này.
+ Ctrl-Alt-Del: tương tự như trong DOS. Tổ hợp phím này sẽ khởi động lại máy tính.
+ Ctrl-D: khi một phần mềm yêu cầu bạn nhập dữ liệu từ bàn phím, bạn có thể nhấn tổ hợp phím này để báo cho phần mềm biết là quá trình nhập dữ liệu đã kết thúc. Tổ hợp phím này sẽ gửi tín hiệu EOF (End Of File) đến phần mềm.. Nếu nhấn Ctrl-D mà không thấy tác dụng, bạn thử gõ vào EOF (ba chữ cái E, O và F) rồi nhấn phím Enter.
+ ESC: đây là phím Esc ở góc trái, phía trên của bàn phìm, trước khi nhấn Ctrl-C để kết thúc phần mềm, bạn hãy thử nhấn ESC trước xem sao.
+ ENTER: đây là phím Enter trên bàn phím, khi gõ xong dòng lệnh thì cần gõ Enter để báo cho máy biết để thực thi.
Sau đây là danh sách các lệnh được liệt kê theo chức năng, bạn có thể sử dụng tính năng Tìm kiếm (search - Ctrl+F) trong trình duyệt để tìm nhanh.
- Lệnh lấy/chuyển sang quyền quản trị hệ thống:
Lý do tôi liệt kê lệnh này đầu tiên không chỉ bởi Ubuntu gợi ý nó ngay những lần chạy Terminal đầu tiên, mà có nhiều lệnh sau này cần sử dụng kết hợp với nó.
+ Chức năng: chuyển quyền của người dùng hiện tại sang Quản trị (root), quyền hạn cao nhất của hệ thống. Bởi vậy, hãy cẩn thận khi sử dụng nó, nếu như không muốn hệ thống gặp trục trặc.
+ Cách dùng:
 sudo <lệnh>
Để lấy quyền quản trị trong 1 thời gian dài:
 sudo -i
Sẽ có yêu cầu nhập mật khẩu hiện ra. Lúc gõ mật khẩu sẽ không có thứ gì đại loại như dấu * hiện lên cả, bạn cứ yên tâm gõ đúng mật khẩu.
 gksu lệnh
->Tương tự sudo nhưng dùng cho các ứng dụng có giao diện đồ họa (môi trường Desktop GNOME). Thường thì lệnh này dùng trong một hộp thoại khi bạn bấm Alt+F2.
 clear
->Làm sạch cửa sổ dòng lệnh. Nếu thấy các kết quả trả lại trên màn hình quá nhiều và trông rối mắt, không cần đến chúng nữa, lệnh này sẽ đẩy các thông tin đã xuất lên phía trên, trả lại không gian trống cho bạn.
 Di chuyển con trỏ lệnh, liệt kê tập tin và thư mục (bạn có thể thử các lệnh trong phần này mà không cần quyền quản trị và không ảnh hưởng gì đến hệ thống)
- Hiện tên thư mục hiện hành:
+ Hiển thị tên thư mục đang đặt trỏ lệnh. Mặc định, thư mục khi bật Terminal là /home/tên_người_dùng/
+ Cách dùng:
 pwd
-Di chuyển sang thư mục khác:
+ Di chuyển con trỏ lệnh sang thư mục khác.
+ Cách dùng
 cd <đường dẫn đến thư mục>
 cd /usr/bin
Nếu chỉ là lệnh cd (không còn tham số nào khác) thì sẽ di chuyển đến thư mục /home/tên_người_dùng/
  cd ~/Downloads
->Chuyển sang thư mục /home/tên_người_dùng/Downloads
  cd ..
->Chuyển đến thư mục ngay phía trước thư mục hiện hành (thư mục cha)
-Liệt kê tập tin
  ls
->Liệt kê các tập tin và thư mục mà bình thường ta nhìn thấy
  ls -a
->Liệt kê tất cả tập tin, thư mục kể cả tập tin/thư mục ẩn (thường bắt đầu bằng dấu chấm ".")
  ls -l | more
->Liệt kê các tập tin/thư mục theo từng trang, sử dụng Enter để xem thêm dòng kế tiếp, Space để sang trang tiếp theo, phím 'q' để thoát
 lsusb
->Hiện các thiết bị USB đang cắm vào và các cổng USB có trên máy
  Thao tác với tập tin/thư mục:
-Sao chép:
  cp /địa_chỉ_tập tin_1/ / địa_chỉ_tập_tin_2/
  cp /media/sda6/codeblocks.txt /media/sda6/extras.txt
->Cú pháp và ví dụ cho thấy, khi lệnh thực thi thì máy sẽ thay thế toàn bộ nội dung tập_tin 2 (extras.txt) bằng nội dung của tập_tin 1 (codeblocks.txt), tên các tập tin vẫn giữ nguyên
  cp /địa_chỉ_tập_tin/ /địa_chỉ_thư_mục/
  cp /home/tên_người_dùng/wallpaper.png /home/tên_người_dùng/Pictures
->Đây là một thao tác khá quen thuộc, sao chép tập tin wallpaper.png vào thư mục Pictures của người dùng
  cp -r /địa_chỉ_thư_mục_1/ /địa_chỉ_thư_mục_2/
->Sao chép thư mục 1 vào thư mục 2
  mv /địa_chỉ_tập_tin_1/ /địa_chỉ_tập_tin_2/
  mv /media/sda6/banshee.txt /media/sda6/linkbanshee.txt (1)
  mv /media/sda6/banshee.txt /media/sda6/Downloads (2)
  mv /media/sda6/banshee.txt /media/sda6/Downloads/linkbanshee.txt (3)
->Ở ví dụ (1), đây là lệnh đổi tên vì đường dẫn giống nhau hoàn toàn, chỉ khác tên tập tin. Còn ở ví dụ (2), sẽ dời tập tin banshee.txt vào thư mục Downloads. Ví dụ (3) tương tự ví dụ 2 nhưng đồng thời đổi tên tập tin thành linkbanshee.txt (có thể di chuyển nhưng không đổi tên)
  mv /thư_mục_1/ /thư_mục_2/
->Đổi tên thư mục 1 thành thư mục 2 (phần đường dẫn phía trước giống nhau, chỉ khác tên thư mục)
  mkdir /thư mục
  mkdir /home/tên_người_dùng/Amnhac
->Tạo trong thư mục của người dùng 1 thư mục mới với tên Amnhac
  mkdir -p /home/tên_người_dùng/Amnhac/Nhactre
->Tạo thư mục Amnhac và tạo thêm thư mục Nhactre ngay trong thư mục Amnhac, trước đó chưa có thư mục Amnhac.
  rm tên_tập_tin
->Nếu đã dùng lệnh cd  vào thư mục chứa tập tin muốn xóa thì chỉ cần gõ đúng cú pháp trên
  rm /home/tên_người_dùng/Music/Papa.mp3
->Trường hợp không cd vào thư mục mà gõ lệnh trực tiếp, sử dụng đường dẫn, xóa tập tin Papa.mp3 trong thư mục Music
 rm /thư_mục/
 rm /home/tên_người_dùng/Repo
->Xóa thư mục rỗng
 rm -rf /thư_mục/
->Xóa thư mục và tất cả tập tin/thư mục trong đó
 find /thư_mục/ -name tên_tập_tin
->Tìm tập tin trong thư mục, kể cả các thư mục con có trong đó
 diff /tập_tin_1/ /tập_tin_2/
 diff /home/tên_người _dùng/file1.txt /home/tên_người _dùng/file2.txt
->So sánh nội dung 2 tập tin, nếu khác sẽ có thông báo differ
 Thao tác với nội dung tập tin:
 cat tên_tập_tin
->Xuất nội dung của tập tin dưới dạng mã ASCII
 more tên_tập_tin
->Xuất hiên nội dung của tập tin trên màn hình theo chế độ từng trang một : ấn phím Enter để xuống 1 dòng ; ấn phím Space để sang thêm 1 trang ; ấn phím 'q' để thoát.
 less tên_tập_tin
->Giống như 'more', nhưng cho phép dùng phím Page Down
 head -n tên_tập_tin
-Xuất hiện số n dòng đầu tiên của tập tin
 tail -n tên_tập_tin
->Xuất hiện số n dòng cuối cùng của file
 gedit tên_tập_tin
->Soạn thảo tập tin (text) dùng trình soạn gedit
 grep chuỗi tên_tập_tin
->Xuất ra các dòng có chứa chuỗi trong tập tin
 grep -r chuỗi tên_thư_mục
->Tìm chuỗi (kí tự) trong tất cả tập tin trong thư mục
 lệnh > tập_tin
->Ghi kết quả của lệnh vào tập tin
 lệnh >> tập_tin
->Bổ sung kết quả của lệnh vào cuối tập tin
 Quyền hạn đối với tập tin:
Lưu ý: Nếu các lệnh không thực thi được thì có thể phải lấy quyền quản trị bằng cách thêm sudo trước lệnh
 chown tên_người_dùng tập_tin
->Xác định chủ của tập tin là người dùng
 chown -R tên_người_dùng thư_mục
->Xác định chủ của thư mục bao gồm các tập tin/thư mục bên trong là của người dùng
 chomd u+x tập_tin
->Giao quyền thực thi tập tin cho người dùng
 Nén và giải nén tập tin
 tar xvf tên.tar
->Giải nén các tập tin có trong tập tin 'tên.tar', đồng thời hiển thị tên các tập tin
 tar xvfz tên.tar.gz 
->Giải nén các tập tin có trong tập tin 'archive.tar.gz'
 tar jxvf tên.tar.bz2 
->Giải nén các tập tin có trong tập tin 'archive.tar.bz2'
 tar cvf tên.tar tập_tin_1 tập_tin_2
->Nén tập tin 1, 2 vào tên.tar
 tar cvfz tên.tar.gz tên_thư_mục 
->Nén 'thư mục' vào tập tin 'tên.tar.gz'
 gzip tên_tập_tin
->Nén 'tập tin' với chuẩn gzip
 gunzip tập_tin.gz 
->Giải nén 'tập_tin.gz'
 bzip2 tên_tập_tin
->Nén 'tập tin' với chuẩn bzip
 bunzip2 tên_tập_tin.bz2 
->Giải nén 'tên_tập_tin.bz2'



     RSS of this page